Phân bón và thuốc

NGUYÊN TẮC ĐÚNG TRONG SỬ DỤNG PHÂN BÓN, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Trong điều kiện giá thuốc bảo vệ thực vật (BVTV),phân bón ngày một tăng cao như hiện nay, người nông dân cần phải áp dụng đồng loạt các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất nhưng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để sản xuất trong nông nghiệp được ổn định, tồn tại và phát triển, giải pháp tốt nhất cho nông dân là áp dụng triệt để nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân và thuốc BVTV.

 

Nguyên tắc thứ nhất, đúng loại: Để sử dụng đúng phân bón cho cây trồng, người nông dân cần quan tâm thời điểm sử dụng, mục đích bón để làm gì, tạo và nuôi củ, thúc đọt và nuôi lá, xử lý ra hoa hay nuôi trái… Mỗi giai đoạn có một loại phân thích ứng, như phân đạm có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, phân lân kích thích rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa, phân kali có vai trò ổn định, cải thiện chất lượng…

– Sử dụng đúng loại phân mà cây trồng yêu cầu và phù hợp với từng loại đất. Vì vậy cần phải hiểu rõ yêu cầu của từng loại cây: cần loại phân gì, tỷ lệ bao nhiêu tùy theo từng thời kỳ sinh trưởng, và nó được trồng trên loại đất có tính chất ra sao…

– Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có loại cây ở giai đoạn sinh trưởng cần kali hơn đạm; cũng có loại cây ở thời kỳ phát triển lại cần đạm hơn kali. Bón đúng loại phân mà cây cần mới phát huy hiệu quả.

- Cây trồng yêu cầu phân gì bón phân đó. Phân bón có nhiều loại, nhưng có 4 loại chính là: N, P, K, S; mỗi loại có chức năng riêng. Bón phân không đúng yêu cầu, không phát huy được hiệu quả còn gây hại cho cây.

Ví dụ: Giai đoạn đầu của hầu hết các loại cây trồng đều cần loại phân có hàm lượng Đạm cao hơn. Nếu dùng phân hỗn hợp NPK để bón cho cây thì chọn loại có hàm lượng đạm cao như: NPK 20-10-10, NPK16-16-8,….

– Bón đúng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ ổn định của môi trường đất. Đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axít cao quá ngưỡng ; đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.

Ví dụ: Ở vùng đất quá chua, phèn thì nên sử dụng phân lân nung chảy hoặc lân có trong NPK để bón cho cây. Không nên sử dụng phân có gốc axít (phân lân supe) sẽ làm tăng độ chua của đất, cây không hấp thu được dinh dưỡng, bộ rễ không phát triển được.

Đối với thuốc BVTV, để sử dụng đúng thuốc cần phải biết đối tượng gây hại cây trồng thuộc nhóm nào, cách gây hại của chúng, từ đó chọn đúng thuốc để phòng, trị. Cần lưu ý chọn phân, thuốc ít ảnh hưởng đến môi trường và thiên địch.

Nguyên tắc thứ hai, đúng liều: Hầu hết trên nhãn bao bì đều có hướng dẫn, nhưng biên độ quá lớn, như sử dụng từ 10-20ml cho bình 8 lít. Vậy khi nào thì dùng 10ml và khi nào thì dùng 20ml. Xét về giá trị kinh tế nếu dùng 10ml thì giá chừng ấy, còn dùng 20ml thì giá tăng gấp đôi. Tuy nhiên để dùng 10ml hay 20ml, trước hết cần xác định là ngừa hay trị mà chúng ta có những lựa chọn phù hợp với cây trồng.

Đối với phân bón, phải phân tích nhu cầu cây trồng cần để sử dụng đúng liều lượng phân bón. Tuy nhiên trong canh tác, tùy theo sức sinh trưởng, sức đậu và nuôi trái của cây trồng mà gia giảm lượng phân cho tương ứng, bên cạnh đó cũng cần lưu ý điều kiện thổ nhưỡng và pH của môi trường đất.

– Liều dùng là bao nhiêu? Hầu hết trên nhãn bao bì đều có hướng dẫn. Để sử dụng đúng liều lượng phân bón nhằm tiết kiệm được kinh tế, phù hợp với yêu cầu của cây trồng, tránh lãng phí phân bón, thì người sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và kết hợp với quan sát hình thái và tình trạng của cây, đất đai nơi trồng cây, thời tiết, mùa vụ để quyết định bón lượng phân thích hợp.

Ví dụ: Vụ đông xuân ở miền bắc, thời tiết lạnh làm cho cây trồng hút ít dinh dưỡng hơn các vụ khác thì nên bón với số lượng ít hơn vừa tiết kiệm được chi phí lại không gây lãng phí.

– Trong canh tác, nông dân cũng có thể tùy theo sức sinh trưởng, sức đậu và nuôi trái của cây trồng mà gia giảm lượng phân cho tương đối, bên cạnh đó cũng cần lưu ý điều kiện thổ nhưỡng và pH của môi trường đất.

Ví dụ: Trên bao bì sản phẩm phân bón lá có ghi pha 10 g cho một bình 8 – 10 lít, lắc đều cho tan. Thì phải pha đúng theo hướng dẫn nếu pha với lượng nước ít hơn thì sẽ làm cháy lá, nhiều hơn thì hiệu quả không cao…

Nguyên tắc thứ ba, đúng lúc: Phải xác định lúc nào thì bón phân hay phun thuốc để mang lại hiệu quả cao nhất.

– Đúng lúc là bón đúng lượng phân và đúng loại phân khi cây trồng cần. Trong suốt thời kỳ sống, cây trồng luôn luôn có nhu cầu các chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển, vì vậynên chia ra bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc cây phát triển mạnh, không bón một lúc quá nhiều, sai nguyên tắc. Việc bón quá nhiều phân một lúc sẽ gây ra thừa lãng phí, ô nhiễm môi trường, cây sử dụng không hết sẽ làm biến dạng dễ nhiễm bệnh, năng suất chất lượng nông sản thấp.

Ví dụ: Để cây ăn trái ra bông và đậu trái nhiều thì ta phải bón phân cho cây ở thời điểm chuẩn bị ra bông và trong thời kỳ nuôi dưỡng trái bón thêm phân bón lá…

Đối với việc bón phân, nên bón vào đầu giai đoạn hay đầu mỗi thời kỳ. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến điều kiện thời tiết, khí hậu là những yếu tố có tác động rất lớn đến quá trình hoạt động của lá, rễ. Nếu lá, rễ hoạt động kém thì khả năng sử dụng phân bón cũng kém. Do đó, bón phân trong điều kiện này cũng không phải là đúng lúc.

Việc phun thuốc lúc nào để phòng ngừa, trị được sâu bệnh, người nông dân phải dự báo, chọn đúng thời điểm thích hợp để xử lý.

Nguyên tắc thứ tư, đúng cách: Một khi đã xác định được đúng phân, thuốc, pha đúng liều lượng và chọn đúng thời điểm để xử lý mà cách dùng không đúng thì sẽ làm giảm tối đa hiệu quả sử dụng. Trong sử dụng phân bón, các nhà khoa học luôn luôn khuyến cáo khi bón phân hãy đào rãnh và bón vòng theo hình chiếu của tán cây. Cây nhận được phân qua hệ thống lông hút của rễ, phân khi bón vào đất phải có quá trình hòa tan, phân ly tạo các ion và bám vào keo đất. Do đó bón phân theo hình chiếu của tán cây để phân có thời gian hòa tan, rễ có thời gian tìm đến để hấp thu.

– Bón đúng cách là bón phân sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất lượng phân bón vào (đúng theo hướng dẫn của nhà SX).

– Một khi đã xác định được đúng phân, thuốc, pha đúng liều lượng và chọn đúng thời điểm để xử lý mà cách dùng lại không đúng thì làm giảm tối đa hiệu quả sử dụng.

Ví dụ: Phân bón lá thì phải phun vào lúc trời mát, khoảng 8–10 giờ sáng hoặc 15–17 giờ chiều, thì lúc đó cây mới không bị cháy lá, hấp thu tối đa lượng phân được phun…

– Sử dụng phân phun qua lá sẽ không mang lại hiệu quả mà ngược lại sẽ làm tổn thương cây (cháy lá) nếu sử dụng không đúng cách. Lá cây trồng, ngoài chức năng quang hợp còn có vai trò thoát hơi nước qua hệ thống khí khổng, đó là những lỗ nhỏ li ti nằm phần lớn ở mặt dưới lá và cũng chính nơi đây mới có điều kiện hấp thu phân qua lá. Do đó khi sử dụng phân phun qua lá cần phải phun tập trung ở mặt dưới lá.

– Trong sử dụng phân bón hữu cơ khuyến cáo khi bón phân hãy đào rãnh và bón vòng theo hình chiếu của tán cây, phân hóa học như NPK bón theo đường rãnh cách  gốc 2/3 hình chiếu của tán cây, bởi cây nhận được phân qua hệ thống lông hút của rễ, mà hệ thống lông hút lại tập trung ở gần đầu chóp rễ và tồn tại không quá 24 tiếng do quy luật phát triển của cả hệ thống rễ, bên cạnh đó phân khi bón vào đất phải có quá trình hòa tan, phân ly tạo các ion và bám vào keo đất. Do đó bón phân theo hình chiếu tán, để phân có thời gian hòa tan, rễ có thời gian tìm đến để hấp thu phân.

Nếu sử dụng đúng 4 nguyên tắc trên sẽ giảm tối đa chi phí đầu vào cho việc sản xuất hàng nông sản, tạo được một sản phẩm an toàn, sạch bệnh và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, người nông dân phải có đủ kiến thức về quy luật phát sinh, phát triển của đối tượng gây hại, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, cũng như tác dụng của từng loại thuốc BVTV, phân bón…