Phân bón là gì? tại sao phải sử dụng phân bón?

Phân bón là gì?

+ Khái niệm cơ bản: Phân bón là những chất được đưa vào đất để làm tăng độ phì nhiêu của đất làm thức ăn cho cây trồng, chúng chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng sinh trưởng và phát triển cho năng suất cao.

+ Khái niệm theo Nghị định quản lý nhà nước về phân bón: Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất.

Tại sao lại phải sử dụng phân bón?

Vì con người Việt Nam từ khi sinh ra cho tới ngày nay chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Việc trồng trọt, cấy hái nhiều năm trên một mảnh đất sẽ làm cho đất bị kiệt màu, mất dần chất dinh dưỡng, cằn cỗi dần đi và không cung cấp đủ được dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển được. Chính vì vậy con người đã nghĩ tới việc bổ sung chất dinh dưỡng cho đất - Đó chính là phân bón. Điều này còn được đúc kết thành kinh nghiệp qua các câu ca dao, tục ngữ như:

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

“Người đẹp vì Lụa, lúa tốt vì phân”….

Ngày nay khi nhu cầu về lượng thực ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Nông dân từ chỗ làm nông truyền thống dựa vào đất bây giờ đã dựa vào phân bón.

Theo FAO (Tổ chức lương thực LHQ): Phân bón làm tăng năng suất cây trồng từ 35- 45%. Chính vì sự quan trọng của phân bón đối với nông nghiệp nên việc sử dụng phân bón là một nhu cầu thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng cao.

Các loại phân bón hiện nay, phân bón được chia thành những nhóm nào?

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phân bón. Và cũng có những cách thức phân loại phân nhóm khác nhau dựa theo từng đặc tính khác nhau của phân bón.

  • Phân loại phân bón theo phương pháp và cách thức bón

+ Phân bón rễ là các loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ.

+ Phân bón lá là các loại phân bón được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá, thân hoặc tưới gốc để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân lá.

  • Phân loại phân bón theo hợp chất

+ Phân vô cơ: Phân bón vô cơ là loại phân bón được sản xuất từ khoáng thiên nhiên hoặc từ hóa chất, trong thành phần có chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng.

+ Phân Hữu cơ: Phân bón hữu cơ là loại phân bón được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ.

  • Phân loại phân bón theo nguồn gốc và quy trình sản xuất

+ Phân tự nhiên: Lá các loại phân được tạo từ các chất có nguồn gốc tự nhiên (không qua chế biến công nghiệp): Bột photphoric, phân xanh, phân chuồng hoai mục,…

+ Phân công nghiệp: Là các loại phân đã được qua chế biến công nghiệp: Vd: Phân ure, phân lân nung chảy, phân hỗn hợp NPK…

+ Phân vi sinh: Là các loại phân được áp dụng khoa học công nghệ sinh học vào sản xuất phân, đưa vi sinh vật vào phân để cải thiện hệ vi sinh vật đất nhằm cung cấp dinh dưỡng tốt hơn đồng thời giải quyết một số vấn đề như: Cung cấp kháng sinh phòng ngừa sâu bệnh, kích thích sự phát triển của cây trồng. Tuỳ theo loại vi sinh vật mà tạo ra các loại phân vi sinh khác nhau: (Phân vi sinh cố định đạm cộng sinh, phân vi sinh phân giải lân, phân vi sinh cố định đạm tự do…).

+ Phân sinh hoá: Là các chất vô cơ, hoặc hữu cơ chiết suất từ tự nhiên hay sản xuất công nghệ hoá học, sinh học được cung cấp cho cây nhằm xúc tiến quá trình chuyển hoá vật chất theo hướng có lợi cho năng suất và phẩm chất sản phẩm thu hoạch.

+ Phân bón khác là các loại phân bón hỗn hợp của phân vô cơ và hữu cơ hoặc các loại phân bón có chứa ít nhất một trong các thành phần sau: vi sinh vật; chất sinh học; chất giữ ẩm; chất tăng hiệu suất sử dụng; đất hiếm; chất có tác dụng cải tạo đất.

  • Phân loại phân bón theo trạng thái vật lý

+ Phân bón dạng rắn: Có thể các hợp chất ở dạng viên (Lân hay phụ gia),hoặc dạng tinh thể (Kali, đạm). Dạng bột như photphoric, supe lân...)

+ Phân bón dạng lỏng (Dung dịch): Là phân ở dạng dung dịch trong suốt, hoặc không trong suốt hay dạng hạt lơ lửng trong nước - Dùng để phun lên cây, lá như phân bón lá...

  • Phân loại phân bón theo thành phần của phân bón

+ Phân đơn: Phân bón đơn là phân bón vô cơ trong thành phần chính chỉ chứa một chất dinh dưỡng đa lượng (đạm hoặc lân hoặc kali).

+ Phân hỗn hợp: Phân bón phức hợp là phân bón vô cơ trong thành phần có chứa ít nhất 02 (hai) chất dinh dưỡng đa lượng hoặc ít nhất 01 (một) chất dinh dưỡng đa lượng kết hợp với ít nhất 02 (hai) chất dinh dưỡng trung lượng liên kết bằng liên kết hóa học.

  • Phân loại phân bón theo yếu tố dinh dưỡng

+ Phân bón đa lượng: Là loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa lượng là các chất bao gồm đạm tổng số (N),lân hữu hiệu (P),kali hữu hiệu (K) ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được.

+ Phân trung lượng: Là loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng trung lượng là các chất bao gồm canxi (Ca),magie (Mg),lưu huỳnh (S),silic hữu hiệu (Si) ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được.

+ Phân vi lương: Là loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng vi lượng bao gồm bo (B),côban (Co),đồng (Cu),sắt (Fe),mangan (Mn),molipđen (Mo),kẽm (Zn) ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được.

Bón phân theo cây, theo đất

Thế nào là bón phân theo cây?

Mỗi loại cây trồng khác nhau có đặc điểm sinh lý, sinh hoá cũng như sự sinh trưởng, phát triển khác nhau. Chúng đòi hỏi những yêu cầu khác nhau về điều kiện ngoại cảnh, thổ nhưỡng, thành phần chất dinh dưỡng… Chính vì những sự khác nhau này mà việc lựa chọn phân bón phù hợp là rất quan trọng. Để đáp ứng từng yêu cầu khác nhau của cây trồng phải cung cấp 1 loại phân bón phù hợp cho cây. Chúng ta không thể đưa ra một loại phân bón để áp dụng cho tất cả các loại cây trồng.

“Phân bón theo cây” cũng như là “Phương pháp hỏi cây”- chính là nguyên tắc 5 đúng và 1 cân đối trong bón phân (Bón đúng loại phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời tiết mùa vụ, đúng cách và bón phân cân đối). Việc bón phân theo cây sẽ giúp cây bổ sung đúng những chất cây cần, tiết kiệm chi phí mà lại nâng cao năng suất và hiệu quả của cây trồng.

Ví dụ: Đối với cây họ đậu có khả năng cố định đạm thì chúng ta sẽ bón giảm đạm và tăng lân và kaly để giúp cho quá trình tạo quả. Đối với cây lấy lá thì ta lại phải cần cung cấp nhiều đạm để giúp cho quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, giảm sinh trưởng sinh thực…

Thế nào là bón phân theo đất?

Mỗi một vùng lãnh thổ, một diện tích đất khác nhau sẽ có những đặc điểm lý hoá tính, thành phần chất dinh dưỡng, độ pH… khác nhau. Muốn cải tạo đất nhằm nâng cao năng suất cây trồng thì chúng ta phải xác định được các đặc điểm lý, hoá tình này để nhằm xác định chính xác các chất còn thiếu cho từng mảnh đất từ đó tìn ra loại phân bón phù hợp để bổ sung cho đất. Việc làm trên chính là phương pháp “bón phân theo đất” mà hiện nay một số đơn vị phân bón đang tiến hành thực hiện.

Ví dụ: Đất chua, trũng… nên bón tăng vôi, lân nung chảy

Thế nào là bón phân theo cây, theo đất?

Chính là sự kết hợp hài hoà giữa những yêu cầu của đất và yêu cầu của cây để đưa ra loại phân bón phù hợp. Lựa chon được vùng đất nào nên trồng cây nào và sử dụng phân bón ra sao. Việc xác định được những yêu cầu này đang là rất cần thiết để giúp cho bà con nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Sử dụng phân cân đối hợp lý, ý nghĩa của việc sử dụng phân cân đối hợp lý đến sự kháng sâu bệnh của cây trồng.

Phương pháp sử dụng phân cân đối, hợp lý là sử dụng lượng phân bón thích hợp cho cây đảm bảo tăng năng suất cây trồng với hiệu quả kinh tế cao nhất, không để lại các hậu quả tiêu cực lên nông sản và môi trường sinh thái. Nói một cách ngắn gọn, bón phân cân đối, hợp lý là thực hiện 5 đúng và một cân đối:

a. Đúng loại phân

Cây cần phân gì bón đúng loại phân đó. Phân có nhiều loại. Mỗi loại có những tác dụng riêng. Bón không đúng loại phân không những phân không phát huy được hiệu quả, mà còn có thể gây ra những hậu quả xấu.

Bón đúng loại phân không những phải tính cho nhu cầu của cây mà còn phải tính đến đặc điểm và tính chất của đất. Đất chua không bón các loại phân có tính axit. Ngược lại, trên đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.

b. Bón đúng lúc

Nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng của cây thay đổi tuỳ theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có nhiều giai đoạn sinh trưởng cây cần đạm nhiều hơn kali, có nhiều giai đoạn cây cần kali nhiều hơn đạm. Bón đúng thời điểm cây cần phân mới phát huy được tác dụng.

 Cây trồng cũng như các loài sinh vật khác, có nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng thường xuyên, suốt đời. Vì vậy, để cho cây có thể sử dụng tốt các loại phân bón, tốt nhất là chia ra bón nhiều lần và bón vào lúc cây hoạt động mạnh. Bón tập trung vào một lúc với nồng độ và liều lượng phân bón quá cao, cây không thể sử dụng hết được, lượng phân bị hao hút nhiều, thậm chí phân còn có thể gây ra những tác động xấu đối với cây.

c. Bón đúng đối tượng

Trong cách hiểu thông thường bón phân là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Vì vậy, đối tượng của việc bón phân là cây trồng.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, một lượng khá lớn chất dinh dưỡng của cây, nhất là các nguyên tố vi lượng, cây được tập đoàn vi sinh vật đất cung cấp thông qua việc phân huỷ các chất hữu cơ hoặc cố định từ không khí. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy bón phân để kích thích và tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất cho phép cung cấp cho cây một lượng chất dinh dưỡng dồi dào về số lượng và tương đối cân đối về các chất. Trong trường hợp này thay vì bón phân nhằm vào đối tượng là cây trồng, có thể bón phân nhằm vào đối tượng là tập đoàn vi sinh vật đất.

Trong một số trường hợp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho sâu bệnh tích luỹ và gây hại nặng. Càng bón thêm phân, cây lại sinh trưởng thêm, sâu bệnh lại phát sinh nhiều hơn và gây hại nặng hơn. Ở những trường hợp này, bón phân cần nhằm đạt mục tiêu là ngăn ngừa sự tích luỹ và gây hại của sâu bệnh.

Bón phân trong một số trường hợp có tác dụng làm tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với các điều kiện không thuận lợi trong môi trường và với sâu bệnh gây hại. Đặc biệt các loại phân kali phát huy tác dụng này rất rõ. Như vậy, bón phân không phải lúc nào cũng là để cung cấp thêm chất dinh dưỡng, thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Có những trường hợp phải tác động theo chiều hướng ngược lại: cần kìm hãm bớt tốc độ tăng trưởng và phát triển của cây trồng, làm tăng tính chống chịu của chúng lên.

Ở phần trên đã trình bày là trong các hệ sinh thái, tồn tại và hoạt động 3 nhóm các mối liên hệ: thông tin, năng lượng và vật chất.

Trong các mối liên hệ này, liên hệ vật chất có liên quan đến việc vận động, chuyển hoá một khối lượng vật chất lớn. Các mối liên hệ thông tin và năng lượng trong nhiều trường hợp chỉ cần những tác động nhẹ với những lượng vật chất không lớn có thể tạo ra những phản ứng và hiệu quả lớn. Bón phân là đưa vào hệ sinh thái nông nghiệp những yếu tố mới và có tác động lên các mối liên hệ. Cho đến nay, trong việc bón phân người ta chỉ mới chú ý đến các mối liên hệ vật chất, đến trao đổi chất. Trong thực tế, phân bón có thể có những tác động sâu sắc trong các mối liên hệ thông tin và năng lượng. Phát hiện được tác dụng của phân bón lên các mối liên hệ thông tin và năng lượng, có thể với lượng phân bón không nhiều, tạo ra những hiệu quả to lớn và tích cực trong việc tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Như vậy, đối tượng của phân bón không chỉ có cây trồng, tập đoàn vi sinh vật đất, mà còn có cả toàn bộ các thành tố cấu thành nên hệ sinh thái nông nghiệp. Chọn đúng đối tượng để tác động, có thể mở ra những tiềm năng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả của phân bón.

 d. Đúng thời tiết, mùa vụ

Thời tiết có ảnh hưởng đến chiều hướng tác động và hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi phân bón gây lãng phí lớn. Nắng gắt cùng với tác động của các hoạt động phân bón có thể cháy lá, hỏng hoa, quả. 

Trong điều kiện khí hậu, thời tiết và sản xuất của nước ta đối với các loại cây ngắn ngày, mỗi năm có 3 - 4 vụ, thậm chí 8 - 9 vụ sản xuất. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở từng vụ có khác nhau, cho nên nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng cũng như phản ứng đối với tác động của từng yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau.

Lựa chọn đúng loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý có thể nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Việc sử dụng đúng các loại phân phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết mùa vụ...

 

 e. Bón đúng cách

Có nhiều phương pháp bón phân: bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hoà vào nước phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước, v.v...

Có nhiều dạng bón phân: rắc bột, vo viên dúi vào gốc, pha thành dung dịch để tưới.

Có nhiều thời kỳ bón phân: bón lót, bón thúc đẻ nhánh, thúc ra hoa, thúc kết quả, thúc mẩy hạt, v.v...

Lựa chọn đúng cách bón thích hợp cho loại cây trồng, cho vụ sản xuất, cho loại đất, v.v... có thể làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón lên gấp nhiều lần.

Cách bón thích hợp vừa đảm bảo tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả phân bón, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng cơ sở sản xuất, phù hợp với từng trình độ của người nông dân.

 g. Bón phân cân đối

Cây trồng có yêu cầu đối với các chất dinh dưỡng ở những lượng nhất định với những tỷ lệ nhất định giữa các chất. Thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém, ngay cả những khi có các chất dinh dưỡng khác ở mức thừa thãi.

Các nguyên tố dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp lên cây mà còn có ảnh hưởng qua lại trong việc phát huy hoặc hạn chế tác dụng của nhau.

Đối với mỗi loại cây trồng có những tỷ lệ khác nhau trong mức cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Tỷ lệ cân đối này cũng thay đổi tuỳ thuộc vào lượng phân bón được sử dụng. Tỷ lệ cân đối giữa các nguyên tố dinh dưỡng cũng khác nhau ở các loại đất khác nhau.

Điều cần lưu ý là không được bón phân một chiều, chỉ sử dụng một loại phân mà không chú ý đến việc sử dụng các loại đất khác.

Bón phân không cân đối không những không phát huy được tác dụng tốt của các loại phân, gây lãng phí mà còn có thể gây ra những tác dụng không tốt đối với năng suất cây trồng và đối với môi trường.

Bón phân cân đối có các tác dụng tốt là:

- Ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của chất, bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn.

- Tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.

- Tăng phẩm chất nông sản.

- Bảo vệ nguồn nước, hạn chế chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Tài liệu tham khảo:

+ Dự thảo Nghị định quản lý Nhà nước về phân bón

+ Hướng dẫn thực hành sử dụng phân bón, NXB Nông nghiệp, Hà Nội,1996 (GS. Võ Minh Kha)