Tìm hiểu về phân xanh, phân sinh học và kỹ thuật sử dụng
1. Phân xanh
Phân xanh thường được sử dụng tươi, không qua quá trình ủ. Vì vậy, phân xanh chỉ phát huy hiệu quả sau khi được phân huỷ. Cho nên người ta thường dùng phân xanh để bón lót cho cây hàng năm hoặc dùng để “ép xanh” (tủ gốc) cho cây lâu năm.
1.1. Phân xanh là gì? tính chất của phân xanh
Cây phân xanh thường là cây họ đậu, tuy vậy cũng có một số loài cây thuộc các họ khác như cỏ lào, cây quỳ dại, v.v.. cũng được nhiều nơi dùng làm phân xanh. Phân xanh có nhiều loài được nông dân gieo trồng với mục đích làm phân bón, nhưng cũng có một số loài cây mọc hoang dại được sử dụng làm phân xanh. Các loại cây họ đậu thường có các vi sinh vật cộng sinh sống trên rễ và giúp cây hút đạm từ không khí. Lượng đạm này về sau có thể cung cấp một phần cho cây trồng. Cây họ đậu còn có khả năng hút lân khó tiêu và kali từ những lớp đất sâu mạnh hơn nhiều loài cây khác.
Cây phân xanh dễ trồng, phát triển nhanh và mạnh. Ngoài việc được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, các loài cây phân xanh còn được dùng để làm cây phủ đất, cây che bóng, cây giữ đất chống xói mòn, cây cải tạo đất, nâng cao độ phì nhiêu của đất.
Cây phân xanh có nhiều loài và có khả năng thích nghi rộng cho nên cây phân xanh có thể trồng được ở nhiều nơi và có thể nói, nơi nào cũng có thể trồng được phân xanh, các loại cây phân xanh có vai trò rất to lớn trong việc gìn giữ, cải tạo đất và góp phần rất đắc lực làm tăng năng suất các loại cây trồng.
1.2. Một số loại cây phân xanh
Các loài cây phân xanh được trồng nhiều nơi ở nước ta là: muồng, điền thanh, đậu nho nhe, keo dậu, cỏ stylô, trinh nữ không gai, v.v..
Cây điền thanh
Cây điên điển
Cây lục bình
Cây muồng và Cây đậu triều
Cây cốt khí
Cây phân xanh có khả năng thích nghi lớn, nhưng không phải loài cây nào ở đâu trồng cũng được. Năng suất chất xanh và khả năng phát triển của các loài cây có thể thay đổi tuỳ theo chân đất và điều kiện cụ thể ở từng nơi. Có loài thích hợp ở các chân đất đồi, có loài thích hợp ở các chân đất cát, có loài thích hợp ở các tỉnh Nam Bộ, có loài thích hợp ở các tỉnh miền núi phía Bắc, v.v...
Vì vậy, cần lựa chọn các loài thích hợp với điều kiện của địa phương để trồng mới thu được kết quả tốt. Cây phân xanh cũng thường chỉ phát huy tác dụng trong những cơ cấu nhất định với các loài cây trồng, vì vậy cần lựa chọn những cơ cấu cây trồng hợp lý với thành phần cây phân xanh phù hợp để trồng xen, trong vườn cây có múi
1.3. Đặc điểm sử dụng phân xanh
- Khi cây phân xanh ra hoa, người ra cày vùi chúng vào đất vì lúc này cây phân xanh có năng suất sinh khối cao, cây chưa có hạt nên hạt chưa rụng xuống đất mọc thành cây con gây trở ngại cho việc trồng cây chính vụ sau.
- Dùng cây phân xanh bón lót cho cây trồng lúc làm đất.
- Đưa vào hệ thống xen canh trên vườn cây trồng chính.
- Tủ gốc, phủ luống, “ép xanh” cho cây lâu năm.
2. Phân sinh học (hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh)
Phân hữu cơ sinh học là gì? là những loại phân bón được sản xuất từ các chế phẩm có nguồn gốc chiếc xuất từ thực vật nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây trồng.
2.1. Một số loại phân vi sinh
Phân vi sinh cố định đạm
Định nghĩa: Phân vi sinh cố định đạm là lọai phân bón có chứa các nhóm vi sinh vật cố định đạm.
Thành phần :
- Chất nền ( than bùn)
- Vi sinh vật sống
- Các chất khoáng và nguyên tố vi lượng
Ví dụ: Phân Nitragin, phân Azogin,
Phân vi sinh vật chuyển hóa lân
- Định nghĩa: Là lọai phân bón có chứa các nhóm vi sinh vật chuyển hóa lân.
Ví dụ: Phân Photphobacterin, phân lân hữu cơ vi sinh…
Là lọai phân bón có chứa các vi sinh vật chuyển hóa lân hữu cơ thành lân vô cơ.
2.2. Đặc điểm của phân sinh học
Khác với phân bón hóa học, phân sinh học không quá coi trọng thành phần N.P.K mà chủ yếu tập trung vào Protein và tập đoàn vi khuẩn hữu ích. Khi phân sinh học được tưới vào đất thì các tập đoàn vi khuẩn hữu ích đó được sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân và chúng sống tập trung chủ yếu ở quanh vùng rễ của cây.
Sử dụng phân sinh học về lâu dài sẽ dần dần trả lại độ phì nhiêu cho đất như làm tăng lượng phospho và kali dễ tan trong đất canh tác, cải tạo, giữ độ bền của đất đối với cây trồng nhờ khả năng cung cấp hàng loạt các chuyển hoá chất khác nhau liên tục do nhiều quần thể vi sinh vật khác nhau tạo ra.
Việc sử dụng phân sinh học còn có ý nghĩa rất lớn là tăng cường bảo vệ môi trường sống, giảm tính độc hại do hoá chất trong các loại nông sản thực phẩm do lạm dụng phân bón hóa học.
Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây có múi - Bộ NN&PT NT