Bệnh rỉ sắt hại cây hoa hồng
Tên khoa học: Uromyces appendiculatus
1. Nguyên nhân gây bệnh rỉ sắt hại cây hoa hồng
- Bệnh rỉ sắt gây hại trên cây hoa hồng là do nấm Phragmidium tuberculatum và một số loài khác liên quan Phragmidium tuberculatum gây ra.
Nấm Phragmidium tuberculatum
2. Đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh rỉ sắt hại cây hoa hồng
- Bệnh phát triển mạnh khi có độ ẩm cao và nhiệt độ thấp. Nấm có thể sinh trưởng ở nhiệt độ 5oC, nhưng tối thích là 18 – 25oC.
- Bệnh rỉ sắt có thể xuất hiện ở hầu hết các tháng trong năm. Nhưng bệnh gây hại mạnh nhất khi cây hoa hồng phát triển các mầm, chồi non, giai đoạn cây ra hoa. Ở giai đoạn cây phát triển cành non mức gây hại cao nhất. Bệnh hại nặng nhất vào thời điểm mùa xuân và tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hàng năm do điều kiện ẩm độ không khí cao, nhiệt độ thấp thuận lợi cho sự sinh trưởng phát triển của bệnh.
3. Triệu chứng bệnh rỉ sắt hại cây hoa hồng
- Bệnh rỉ sắt hầu như xuất hiện ở khắp các bộ phận của cây từ lá, thân, nụ, hoa. Phát triển mạnh nhất trên lá cây hoa hồng.
- Ban đầu vết bệnh xuất hiện các chấm vàng, có viền mất màu, sau đó nổi gồ lên màu đen. Những cục u này có đường kính khoảng 0,5 – 1,5 mm, sau đó vỡ tung ra giải phóng những bụi phấn có màu giống như màu của rỉ sắt.
- Vết bệnh trên lá: Các mô lá màu xanh dần chuyển sang màu vàng sáng, xuất hiện các mụn nhỏ lấm tấm màu cam ở phần mặt dưới lá. Sau một thời gian khi các mụn màu cam lan rộng khắp lá và chuyển dần thành màu đen thì gây ra rụng lá.
Bệnh rỉ sắt trên cành non cây hoa hồng
- Vết bệnh trên thân: Gây hại đầu tiên trên thân non xanh gây biến dạng, có mụn mủ màu cam sáng xuất hiện. Dần phủ kín thân và gây héo, chết phần thân.
- Vết bệnh trên nụ và hoa: Thường gây hại khi nụ hoa bắt đầu hình thành, non. Gây biến dạng nụ và hoa không nở được.
Bệnh rỉ sắt gây hại trên nụ, hoa cây hoa hồng
- Cây hoa hồng bị bệnh rỉ sắt nặng sẽ làm cho lá bị cháy khô và rụng sớm, cây trở nên còi cọc, sinh trưởng và phát triển kém, ít hoa hoặc hoa nhỏ, không đẹp.
4. Biện pháp phòng trừ bệnh rỉ sắt hại trên cây hoa hồng
* Biện pháp canh tác
- Dọn sạch cỏ quanh gốc, phát quang bụi dậm xung quanh để cây có thể đón ánh nắng nhiều nhất.
- Mật độ trồng cây phải phù hợp, không quá dày để vườn hoa luôn thông thoáng, giảm bớt ẩm độ trong vườn.
- Tưới đủ nước tránh để nước đọng lại ở các rãnh hay trên mặt lá.
- Cắt tỉa cành, lá, tạo độ thông thoáng, hạn chế sự phát triển của bệnh. Nấm Phragmidium tuberculatum là tác nhân gây hại có tính cơ hội. Do đó, việc tránh làm tổn thương cho cây có tầm quan trọng đặc biệt.
- Bón thêm phân lân, kali và những phân hỗn hợp có chứa Ca, Mg, … tăng khả năng chống chịu bệnh của cây.
Cắt tỉa, thu dọn các lá, cành bị bệnh đi thiêu hủy
* Sử dụng giống chống chịu với bệnh và cây con sạch bệnh:
- Bệnh rỉ sắt gây hại nặng nhất trên các giống hoa hồng leo. Các giống hoa hồng cổ ít gây hại.
* Biện pháp hóa học:
- Khi cây hoa hồng bị bệnh rỉ sắt có thể sử dụng một số loại thuốc đặc trị bệnh rỉ sắt như Anvil 5 SC, Antracol 70 WP, Tilt Super 300 EC,…
Phun thuốc phòng trị bệnh rỉ sắt hại cây hoa hồng
- Lưu ý khi phun thuốc trị bệnh rỉ sắt hại cây hoa hồng: Trước khi phun thuốc cần cắt tỉa thu dọn sạch các lá già, cành nhiễm bệnh nặng, … Ngừng bón phân cho cây trong suốt quá trình điều trị bệnh rỉ sắt cho cây. Khi pha thuốc chỉ sử dụng thuốc để pha, không phối trộn bất kỳ loại thuốc hóa học nào khác đặc biệt không được phối trộn phân bón lá sẽ gây mất hiệu lực của thuốc trị bệnh rỉ sắt. Kỹ thuật pha thuốc và nồng độ pha tuân thủ đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Phun đẫm dung dịch thuốc lên toàn bộ cây từ trên xuống dưới, trong ra ngoài, đẫm 2 mặt lá, thân và dưới gốc cây.