Đốm phấn, giả sương mai Cây dưa leo (dưa chuột) , Cây dưa hấu
Điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh đốm phấn Pseudoperonospora cubensis
- Bệnh lây lan qua tàn dư cây bệnh, cỏ dại. Trong điều kiện thuận lợi nấm bệnh lây lan bằng bào tử phân sinh.
- Nấm bệnh xâm nhập và gây hại nặng trong mùa mưa và những ngày có sương mù buổi sáng.
- Bệnh phát sinh sớm từ khi cây có 3 lá thật và càng cuối vụ càng nặng. Bệnh gây hại làm lá rụng, dưa tàn sớm giảm năng suất cây trồng.
- Nhiêt độ và độ ẩm không khí là những nhân tố vô cùng quan trọng cho sự phát triển và lây nhiễm của nấm bệnh trên cây trồng. Một giai đoạn ít nhất là 6 tiếng với độ ẩm tương đối 100% trên bề mặt lá là cần thiết cho sự sinh sản các túi bào tử, nó có thể xuất hiện ở nhiệt độ từ 5-30oC. Sự hình thành túi bào tử cao nhất ở nhiệt độ 15-20oC. Khi không khí xung quanh khô, các túi bào tử được phân tán chủ yếu bằng luồng không khí.
- Bệnh thường gây hại từ lá gốc phát sinh dần lên phía trên
- Bệnh xuất hiện quanh năm trên ruộng dưa, nhưng nặng nhất là trong mùa mưa và gây hại nặng giai đoạn cây trổ hoa đến mang trái.
Các triệu chứng bệnh đốm phấn (giả sương mai) trên dưa.
Khả năng gây hại, triệu chứng của bệnh đốm phấn Pseudoperonospora cubensis
Bệnh hại chủ yếu trên lá. Đốm bệnh lúc đầu nhỏ, màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu vàng. Đốm bệnh có hình góc cạnh. Khi gặp ẩm độ cao, ngay vết bệnh ở mặt dưới của lá có xuất hiện một lớp phấn màu tím đỏ, đây là bào tử của nấm bệnh. Các vết bệnh liên kết lại thành những vùng màu nâu nhạt. Cây bị bệnh nặng cho năng suất và chất lượng trái kém, có thể cây bị chết.
Biện pháp quản lý, phòng trị bệnh đốm phấn Pseudoperonospora cubensis
Biện pháp canh tác kỹ thuật
- Sử dụng giống kháng hay chống chịu bệnh tốt.
- Không trồng liên tục cây cùng họ bầu bí (luân canh với các cây trồng khác họ bầu bí)
- Luống trồng thoát nước tốt (Làm liếp cao, thoát nước đặc biệt trồng dưa trong mùa mưa); dùng màng phủ nông nghiệp.
- Tránh đất bắn vào các lá gốc bằng cách ngắt bỏ bớt các lá gốc, lá bệnh.
- Vệ sinh ruộng trồng, tỉa lá, tiêu hủy các cây lá bị bệnh, dọn sạch tàn dư sau mỗi vụ trồng.
- Bón phân đầy đủ, cân đối, chú ý bón phân urê, trong mùa mưa nếu bón nhiều urê, hoặc phân hữu cơ tươi dễ gây ngộ độc cho cây và nấm bệnh dễ xâm nhập gây hại.
Biện pháp hóa học
- Phòng trị bằng Revus Opti 440SC hoặc các sản phẩm có hoạt chất Azoxystrobin, Metalaxyl…
- hoặc dùng các loại thuốc hóa học như Daconil, Ridomil MZ, Score, Tilt super…