Gỉ sắt đậu tương
Tên khoa học: Phakopsora pachyrhizi (Henn) Saw
Gỉ sắt đậu tương là bệnh phá hại phổ biến ở các vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa ở các vùng Đông Nam Á, Ấn độ, Trung Quốc. Ngược lại ở các nước ôn đới hay cận nhiệt đới bệnh hầu như ít xuất hiện và được xếp vào loại ít phổ biến, ít tác hại so với các bệnh khác. Bệnh rất phổ biến ở nước ta. Vụ đậu tương xuân bệnh gây hại làm tỷ lệ quả lép lên tới 81,3% và vụ hè thu tới 52,6% .
1. Triệu chứng
+ Bệnh hại nặng nhất ở lá, có thể hại trên thân cành và quả.
+ Lúc ban đầu ở mặt dưới lá vết bệnh hình thành dưới dạng những chấm nhỏ màu vàng trong, đường kính từ 0,2 - 0,3 đến hơn 1mm. Sau đó, vết bệnh nổi lên trên mặt lá có màu vàng nâu, biểu bì lá nát để lộ ổ bào tử có màu vàng (màu gạch non).
+ Trong vụ đông xuân, thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, ổ bào tử thường lớn, vết bệnh to và nhiều hơn vụ hè thu. Sau các đợt không khí lạnh vào tháng 1,2 trên lá đậu tương bị bệnh có thể xuất hiện các ổ bào tử màu đen - đó là các ổ bào tử đông.
+ Cây đậu tương bị bệnh khiến lá sớm bị vàng, lượng diệp lục giảm nhanh chóng, cường độ quang hợp và sự trao đổi chất trong cây giảm, do đó năng suất và phẩm chất đậu tương bị giảm sút nghiêm trọng. Những ruộng bị nặng hầu như không được thu hoạch.
2. Nguyên nhân gây bệnh
+ Nấm gây bệnh Phakopsora sojae (Henn) Saw = Phakopsora pachyrhizi (Henn) Saw thuộc bộ Nấm gỉ sắt Uredinales – lớp Nấm Đảm Basidiomycetes.
+ Bào tử hạ (Uredospore) là bào tử thường gặp trên vết bệnh, thường có hình trứng hay hình tròn, có gai nhỏ trên bề mặt, màu vàng nâu. Kích thước bào tử trung bình khoảng 19, 1 - 20,3 x 26 - 27micromet. Trong điều kiện nhiệt độ thấp cuối vụ đông trên lá già có thể tạo các ổ bào tử đông màu đen, đơn bào vỏ nhẵn xếp thành băng chặt chẽ bên trong ổ bào tử (Phạm Duy Thành, 1970).
+ Bào tử hạ là nguồn bệnh quan trọng nhất. Bào tử hạ và sợi nấm có thể bám giữ trên thân, lá, quả bị bệnh rơi trên đất và trên bề mặt hạt giống, vỏ quả khi giữ hạt lại làm giống. Bào tử hạ gặp giọt nước hay điều kiện độ ẩm cao sẽ dẽ dàng nảy mầm ở nhiệt độ từ 20 - 250C. Thời kỳ tiềm dục của bệnh kéo dài tới 13 ngày ở nhiệt độ thấp (150C) nhưng sẽ rút ngắn chỉ khoảng 6 - 8 ngày ở nhiệt độ cao hơn 20 - 300C. Tuy nhiên ở nhiệt độ cao hơn 300C tỷ lệ nảy mầm giảm rõ rệt và khả năng xâm nhập, hình thành bào tử mới trên vết bệnh bị hạn chế do đó bệnh không phát triển được
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
+ Các vụ trồng đều bị bệnh nhưng bệnh phát sinh và phá hại nặng nhất trong vụ đậu tương xuân. Các vụ đông, hè thu bệnh nhẹ hơn. Ở vụ xuân khi bệnh nặng chỉ còn thu hoạch từ 0,8 - 2,5 tạ/ha (Gia Lâm - 1967),trong khi bình thường năng suất đạt được từ 5 - 8 tạ/ha. Vụ đông thời tiết lạnh, vụ hè và hè thu nhiệt độ rất cao nấm khó hình thành bào tử và khó thực hiện nảy mầm, xâm nhiễm vì vậy bệnh hại rất nhẹ.
+ Cao điểm của bệnh thường tập trung ở vụ xuân vào tháng 3,4 khi nhiệt độ đạt trên 18 - 200C và cây đậu có từ 5 lá kép đến thu hoạch quả. Bệnh có thể kéo dài tới tháng 5 làm lá cây rụng hàng loạt, ruộng đậu tương vàng rực màu lá bệnh.
+ Trong các giai đoạn sinh trưởng từ cây mọc tới chớm hoa ít bị bệnh. Từ ra hoa đến thu hoạch quả là lúc bệnh phát triển nhanh nhất trên lá bánh tẻ và lá già. Điểm này liên quan tới sự tích luỹ và biến động hàm lượng protit và axit amin trong các giai đoạn sinh trưởng ở các tuổi cây khác nhau.
+ Các giống đậu tương trồng ở nước ta đều bị nhiễm bệnh ở các mức độ khác nhau. Theo dõi thí nghiệm trường Đại học Nông nghiệp I – Hà Nội cho thấy: giống Lơ Gia Lâm và Lơ Thuận Thành nhiễm bệnh nhẹ hơn các giống khác. Các giống ít bị bệnh hay bị nhiễm muộn trên đồng ruộng hiện nay là: M103, DT93, DT84, AK03, AK05, VX93, Dòng 42. Các giống nhiễm nặng là V74 (DT74).
+ Các biện pháp kỹ thuật canh tác ít ảnh hưởng tới bệnh, song qua điều tra bệnh cho thấy: bón phân hợp lý, bón đủ kali hay trồng đậu tương xen ngô, luân canh với lúa nước v.v… bệnh có xu hướng giảm hơn là đậu tương không chăm sóc chu đáo, không trồng xen, không luân canh.
4. Biện pháp phòng trừ
+ Chọn giống chịu bệnh, chống bệnh và sản xuất giống sạch bệnh để sử dụng trong sản xuất.
+ Luân canh với lúa nước hay các cây hoà thảo.
+ Xử lý giống bằng Bayphidan 10- 15g a.i/1 tạ hạt giống hoặc Rovral 200g/tạ hạt.
+ Có thể phun thuốc hạn chế bệnh bằng các loại thuốc trừ gỉ sắt đặc biệt như Baycor 25WP 0,1% (0,15 - 0,25 kg/a.i/ha); Bayleton 25EC (25WP) 120 - 250g/ha; Bayphidan 250EC (0,1%); Anvil 5SC - 0,2% hoặc Tilt super 300ND: 0,1% (0,3l/ha).