Gỉ sắt ngô
Tên khoa học: Puccinia sorghi schw.
Bệnh gỉ sắt phổ biến khắp các vùng trồng ngô. Nhưng nếu xuất hiện vào thời kỳ cuối sinh trưởng thì tác hại ít. Một số trường hợp nếu kỹ thuật chăm sóc thâm canh kém mà bệnh lại phát sinh sớm, phá hại mạnh thì có thể làm ngô lụi tàn sớm, sinh trưởng kém, bắp nhỏ, hạt nhẹ và năng suất có thể giảm tới 20%.
1. Triệu chứng:
+ Bệnh hại chủ yếu ở phiến lá, có khi ở bẹ và áo bắp.
+ Vết bệnh lúc đầu rất nhỏ, chỉ là một chấm vàng trong, xếp không có trật tự, khó phát hiện, nhưng về sau to dần, vết vàng nhạt tạo ra các đốm nổi (1mm),tế bào biểu bì nứt vỡ, chứa một khối bột màu nâu đỏ, vàng gạch non, đó là giai đoạn hình thành ổ bào tử hạ.
+ Đến cuối giai đoạn sinh trưởng của ngô, trên lá bệnh có thể xuất hiện một số vết bệnh là những ổ nổi màu đen, đó là giai đoạn hình thành các ổ bào tử đông. Vết bệnh thường dày đặc trên phiến lá dễ làm lá khô cháy.
2. Nguyên nhân gây bệnh:
+ Bệnh gỉ sắt do nấm Puccinia maydis Ber gây ra thuộc bộ Uredinales lớp Nấm Đảm. Trên cây ngô nấm phát triển hai giai đoạn chính: bào tử hạ và bào tử đông. Trong một số trường hợp giai đoạn bào tử xuân hình thành trên cây chua me đất (Oxalis),thường là loài P.polysora.
+ Bào tử hạ đơn bào, hình cầu hoặc bầu dục, màu vàng nâu, có vỏ dày gợn gai nhỏ.
+ Bào tử đông thon dài, 2 tế bào, vỏ dày có màu nâu, có cuống dài màu nâu.
+ Ở nước ta, sự lây lan và bảo tồn nguồn bệnh bằng bào tử hạ. Một phần nguồn bệnh còn là bào tử đông và sợi nấm trong tàn dư.
+ Bào tử hạ có thể tồn tại lâu dài trên tàn dư lá bệnh ở ruộng và trên hạt qua năm. Bào tử hạ nảy mầm ở nhiệt độ 14 - 320C, nhưng thích hợp nhất là 17 - 180C trong điều kiện có ẩm độ bão hoà. Sau khi xâm nhập khoảng một tuần lễ có thể xuất hiện vết bệnh với ổ bào tử hạ mới, từ đó lại lây lan rộng ra nhiêu đợt kế tiếp trong thời kỳ sinh trưởng của cây.
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
+ Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ôn hoà, nhiệt độ trung bình, có mưa. Các giống ngô đường, ngô nếp thường bị bệnh nặng hơn các giống ngô đá, ngô răng ngựa. Một vài giống nhập nội có thể ít bị bệnh hơn những giống địa phương.
4. Biện pháp phòng trừ
+ Cần dọn sạch tàn dư lá bệnh, cày bừa kỹ để tiêu diệt nguồn bệnh ở đất và xử lý hạt giống bằng TMTD 3 kg/tấn, Bayphidan 10 - 15g.a.i/1 tạ hạt để tiêu diệt bào tử hạ bám dính trên hạt khi thu hoạch.
+ Tăng cường các biện pháp thâm canh kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt, tăng sức chống bệnh và hạn chế tác hại do bệnh gây ra.
+ Khi bệnh xuất hiện sớm lúc ngô 5 - 6 lá, mà bệnh đốm lá cũng đồng thời xuất hiện cùng phá hại thì có thể phun thuốc Bayphidan 15WP (= Samet 15WP) 250g a.i./ha, Baycor 150 - 250 ga.i/ha và một số thuốc như: Score 250ND (0,3 - 0,5 l/ha; Tilt 250 EC (0,3 - 0,5 l/ha) Bayleton 25 EC (WP) 0,5 - 1kg/ha.