Thán thư đậu đỗ
Tên khoa học: Colletotrichum lindemuthianum
Bệnh thán thư đậu đỗ được phát hiện đầu tiên ở châu Âu. Hiện nay, bệnh rất phổ biến ở các vùng trồng đậu đỗ trên thế giới. Bệnh gây hại mạnh ở những vùng có khí hậu nóng ẩm. Ở nước ta bệnh gây hại trên các vùng đậu đỗ như đậu cove, đậu vàng, đậu trạch, đậu bở, đậu đũa.
1. Triệu chứng bệnh
- Bệnh có thể phát hại từ giai đoạn nảy mầm cho đến thu hoạch. Trên lá mầm vết bệnh có hình tròn, màu nâu đen, hơi ướt và lõm.
- Vết bệnh trên thân có hình thoi dài, hơi lõm có màu nâu đỏ. Bệnh nặng cây con có thể chết rạp.
- Trên lá thật, vết bệnh thường gây hại ở phần gân lá và phiến lá sát gân. Vết bệnh hình tròn hoặc không định hình có màu nâu, xung quanh viền nâu đỏ.
- Trên vết bệnh có các chấm đen nhỏ li ti đó là các đĩa cành của nấm gây bệnh.
- Vết bệnh trên cuống lá và thân cành thường kéo dài, có màu nau sẫm, hơi lõm, bệnh có thể gây hại làm hoa rễ bị rụng. Trên quả, vết bệnh có hình bầu dục hoặc hình tròn, có màu nâu vàng, hơi lõm, xung quanh có viền nâu đỏ. Trên vết bệnh hình thành nhiều đĩa cành xếp theo vòng tròn đồng tâm hoặc xếp lộn xộn. Nấm gây bệnh có thể gây hại cả hạt, trên hạt vết bệnh là các chấm nhỏ màu nâu hoặc màu đen.
2. Nguyên nhân gây bệnh
- Nấm gây bệnh là Colletotrichum lindemuthianum.
- Sợi nấm đa bào, phân nhánh, có màu nâu nhạt. Đĩa cành của nấm gây bệnh có lông gai màu đen, đa bào, có từ 1 – 4 ngăn ngang, kích thước 40 – 110 x 4 – 6 micromet.
- Cành bào tử phân sinh không mà, ngắn, đơn bào. Bào tử phân sinh không màu đơn bào, hình bầu dục, thẳng hoặc hơi cong, kích thước 10,5 – 23 x 3,5 – 6,6 micromet. Nấm tồn tại chủ yếu ở dạng sợi nấm, nấm tồn tại trên hạt giống và trên tài dư bệnh.
- Sợi nấm có thể tồn tại trong nội nhũ và trong phôi hạt thời gian khoảng 2 năm.
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
- Bệnh phá hại nặng trong điều kiện ẩm độ không khí cao trên 80%, nhiệt độ 16 – 20 độ C. Bào tử nấm nảy mầm trong phạm vi nhiệt độ 4 – 34 độ C, thích hợp nhất ở nhiệt độ 22 – 23 độ C. Trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ thuận lợi thời kỳ tiềm dục của bệnh là 4 – 7 ngày. Ở nước ta, bệnh thường phát sinh mạnh trên những chân ruộng trũng, thoát nước kém.
4. Biện pháp phòng trừ
- Sử dụng các giống chống bệnh, giống sạch bệnh. Lấy giống từ những ruộng không bị nhiễm bệnh và từ các cây khỏe, sạch bệnh.
- Sử lý bằng thuốc hóa học.
- Dọn sạch tàn dư bệnh. Đem đốt hoặc chôn sâu, cày sâu để vùi lấp tàn dư cây bệnh, bón phân cân đối.
- Thực hiện luân canh 2 – 3 năm với cây trồng nước ở những chân ruộng bị nhiễm nặng. Vun luống cao thoát nước tốt, đảm bảo mật độ thích hợp.
- Khi bệnh chớm xuất hiện cần phun thuốc hóa học: Zineb 80WP 0,4%, Daconil 50WP và 75 WP nồng độ 0,125 – 0,25%.
Nguồn: Giáo trình bệnh cây chuyên khoa